Trái với lầm tưởng của một số người, khủng hoảng hiện sinh không phải một bệnh lý tâm thần mà là một trạng thái tâm lý tự nhiên. Hiện tượng này có thể xảy ra trong nhiều giai đoạn cuộc đời, từ những năm trưởng thành đến độ tuổi trung niên. Sau đây là những thông tin cụ thể hơn về khủng hoảng hiện sinh mà bạn cần biết và những cách hiệu quả giúp bạn vượt qua khủng hoảng.

Khủng hoảng hiện sinh là gì?

Khủng hoảng hiện sinh là thuật ngữ mô tả một trạng thái tâm lý khi bạn bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của chính mình hoặc đột nhiên cảm thấy mất định hướng về bản thân. Khủng hoảng hiện sinh bao gồm ba dạng là khủng hoảng tuổi trung niên (midlife crisis), khủng hoảng danh tính (identity crisis) và khủng hoảng mục đích sống (crisis of meaning). Hiểu được bản chất của từng loại khủng hoảng này có thể mang lại cho bạn góc nhìn rõ ràng hơn, từ đó tìm được cách vượt qua khủng hoảng phù hợp nhất.

Ảnh: Pexels/KoolShooters

Khủng hoảng tuổi trung niên là một trong những loại khủng hoảng hiện sinh được nhắc đến nhiều nhất. Dạng khủng hoảng này thường xảy ra khi bạn bước sang tuổi 50 và bắt đầu suy ngẫm về giá trị cuộc sống, về những thành tựu đã đạt được, những cơ hội bị bỏ lỡ, những ước mơ chưa thành hiện thực và cả về nỗi lo tuổi già đang kéo đến. Trong khi đó, khủng hoảng danh tính lại khá phổ biến ở giai đoạn trưởng thành – giai đoạn bạn dễ cảm thấy hoài nghi nhất về bản thân và vai trò của mình trong cuộc sống. Cuối cùng, khủng hoảng mục đích sống có thể xảy ra khi bạn cảm thấy đời mình bỗng nhiên trống rỗng và vô nghĩa, đồng thời khát khao tìm kiếm một mục đích sống có ý nghĩa hơn.

Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hiện sinh

1. Thay đổi lớn trong cuộc sống

Những thay đổi lớn trong cuộc sống, như tốt nghiệp, kết hôn, sinh con, nghỉ hưu, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khủng hoảng hiện sinh. Cụ thể, khi tiến đến những cột mốc này, nhiều người có xu hướng suy ngẫm nhiều hơn về cuộc sống, về những lựa chọn họ đã đưa ra và những chặng đường sắp tới. Kết quả là họ dễ cảm thấy hoang mang, vô định trước cuộc đời hơn và rơi vào khủng hoảng.

Ảnh: Pexels/Aleksey Danilov

2. Mất mát cá nhân

Mất mát cá nhân, chẳng hạn như mất đi người thân, công việc hay thậm chí là giấc mơ hằng ấp ủ… là tác nhân phổ biến dẫn đến khủng hoảng hiện sinh. Cụ thể, những sự kiện này dễ khiến bạn hoài nghi và bắt đầu đặt câu hỏi về sự tồn tại của bản thân, cũng như mục đích sống của chính mình.

3. Suy ngẫm triết học

Những câu hỏi về vũ trụ, sự tồn tại của con người và bản chất của thực tại có thể gợi lên cảm giác sợ hãi hoặc tò mò về các vấn đề hiện sinh. Hơn thế, nếu càng chìm sâu vào những chiêm nghiệm trên, bạn sẽ dễ trải qua một cuộc khủng hoảng về danh tính hoặc mục đích sống.

4. Áp lực xã hội

Trong nhiều xã hội, giá trị của một người thường được đánh giá dựa trên vị thế, sự thành công và các cột mốc họ đã đạt được… Tuy nhiên, nếu bạn cũng thường xuyên đo lường giá trị của mình dựa trên các tiêu chuẩn đó, bạn càng dễ gặp phải khủng hoảng hiện sinh khi đối mặt với những thay đổi hoặc chướng ngại trong cuộc sống.

Ảnh: Unsplash/Oleg Ivanov

Những dấu hiệu chứng tỏ bạn đang gặp khủng hoảng hiện sinh

1. Cảm thấy trống rỗng

Bạn đã bao giờ cảm thấy thiếu mất thứ gì đó mặc dù vốn đã có mọi thứ mình mong muốn? Nếu có, rất có thể bạn đang trải qua một cơn khủng hoảng hiện sinh, vì cảm giác trống rỗng nêu trên được xem là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của hiện tượng này.

2. Cảm thấy lạc lõng

Cảm giác lạc lõng có thể nảy sinh khi bạn đột nhiên bị mất kết nối với chính mình, hoặc với môi trường xung quanh và với những người vốn từng rất quen thuộc. Đây cũng là một dấu hiệu đặc trưng của khủng hoảng hiện sinh mà bạn nên chú ý.

3. Nghi ngờ về các giá trị sống

Hoài nghi về giá trị cuộc sống, giá trị bản thân hoặc cảm thấy những nỗ lực của mình đều vô nghĩa là tín hiệu cảnh báo bạn đang trải qua cuộc khủng hoảng. Mặt khác, mối nghi ngờ này còn khiến việc thực hiện những nhiệm vụ thường ngày trở nên khó khăn hơn với bạn.

Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

Xem thêm

• Học cách nói “không” với 6 điều sau để xây dựng cuộc sống bình yên

• 5 bài học ý nghĩa khi trải qua cảm giác tan vỡ sau mỗi biến cố

• Trắc nghiệm: Hình ảnh bạn nhìn thấy đầu tiên thể hiện tình trạng sức khỏe tinh thần

4. Khát khao tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống

Một dấu hiệu đặc trưng khác của khủng hoảng hiện sinh là muốn tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa cuộc sống, cũng như khám phá mối liên hệ sâu sắc hơn với cuộc đời. Ngoài ra, bạn còn có xu hướng muốn chạm đến một điều gì đó lớn lao hơn, hoặc một mục đích cao cả hơn những gì hằng theo đuổi.

5. Thay đổi thói quen hằng ngày

Nếu nhận thấy những thay đổi không giải thích được trong thói quen sinh hoạt hằng ngày, bạn có khả năng đang trải qua một cơn khủng hoảng hiện sinh. Tuy nhiên, những thay đổi này cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề thể chất hoặc tâm lý khác. Do đó, bạn nên cẩn thận và tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, kinh nghiệm để tránh nhầm lẫn.

6. “Rút lui” khỏi các hoạt động xã hội

Ảnh: Unsplash/Tony Frost

Bạn từng là một người sôi nổi và yêu thích các hoạt động xã hội nhưng bỗng nhiên lại lựa chọn “rút lui”? Đây có thể là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng hiện sinh, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và chán nản trước các hoạt động vốn từng rất thú vị.

7. Đột nhiên quan tâm đến các vấn đề triết học hoặc tâm linh

Nếu đột nhiên bạn bắt đầu quan tâm đến triết học hoặc tâm linh dù trước đó chưa từng tìm hiểu về những lĩnh vực này, bạn có thể đang gặp một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Đây là một hành vi phổ biến của nhiều người khi rơi vào khủng hoảng, với mục đích tìm kiếm câu trả lời hoặc một lời ủi an cho vấn đề họ đang gặp phải.

6 cách giúp bạn vượt qua khủng hoảng hiện sinh

Đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện sinh không phải một chuyện dễ dàng, nhưng lại là cơ hội quý giá để bạn khám phá và phát triển bản thân. Sau đây là 6 lời khuyên thiết thực giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn và tìm được bình yên trong tâm hồn.

1. Trân trọng những khoảnh khắc hiện tại

Ảnh: Pexels/Leeloo The First

Thay vì nuối tiếc quá khứ và sợ hãi tương lai, bạn nên cố gắng học cách trân trọng những gì đang diễn ra trong hiện tại. Điều này không chỉ giúp bạn sống trọn vẹn, thanh thản hơn mà còn góp phần khiến mối liên hệ giữa bạn và môi trường xung quanh thêm sâu sắc. Một số phương pháp thực hành sống trong hiện tại phổ biến mà bạn nên thử là thiền định, chánh niệm và rèn luyện lòng biết ơn…

2. Viết nhật ký

Nhật ký là nơi bạn có thể tự do ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc về các vấn đề hiện sinh bạn đang đối mặt. Đồng thời, viết nhật ký còn giúp bạn tập trung vào bản thân, từ đó hiểu rõ hơn về chính mình để từng bước vượt qua cơn khủng hoảng.

3. Tâm sự với những người thân yêu

Gia đình và bạn bè là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn. Những cuộc trò chuyện cởi mở với họ có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm hơn, đồng thời thấu suốt những vấn đề hiện sinh mình đang gặp phải.

Ảnh: Pexels/cottonbro studio

4. Tìm hiểu triết học hoặc tâm linh

Tìm hiểu sâu hơn về triết học hoặc tâm linh vừa là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp khủng hoảng hiện sinh, vừa là biện pháp hữu ích giúp bạn đối phó với hiện tượng tâm lý này. Bằng cách chiêm nghiệm những quyển sách triết học – tâm linh hoặc tham gia vào các cuộc thảo luận có liên quan, bạn có thể học tập từ những lời dạy, những quan điểm sâu sắc từ các triết gia hay các nhà tâm linh dày dặn kinh nghiệm. Việc này phần nào mang đến cho bạn sự an ủi và giúp bạn lấy lại sự bình yên nội tâm.

5. Kiên nhẫn với chính mình

Khi đối diện với cuộc khủng hoảng, bạn không nên cảm thấy quá lo lắng, căng thẳng hay tự tạo áp lực cho chính mình rằng phải nhanh chóng vượt qua nó. Thay vào đó, hãy cố gắng bình tĩnh và cho bản thân thời gian, đồng thời tìm kiếm những biện pháp chăm sóc tinh thần phù hợp để cải thiện tình hình.

Ảnh: Unsplash/Elise Wilcox

6. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia

Khủng hoảng hiện sinh không phải dấu hiệu của các bệnh lý tâm thần, mà là một trạng thái tâm lý tự nhiên. Tuy nhiên, nó vẫn có khả năng dẫn đến trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Trong trường hợp này, bạn nên cân nhắc tìm đến các chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hiểu rõ hơn về cảm xúc cũng như những mối quan tâm hiện sinh của bản thân.